VẤN ĐỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG QUAN HỆ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI

  • Trang chủ /
  • VẤN ĐỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG QUAN HỆ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI

VẤN ĐỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG QUAN HỆ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI

  • Tháng Tám 18, 2021
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận

Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các thương nhân về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại, do đó, hợp đồng được coi như là một trong những nguồn luật được áp dụng cho các bên thực hiện giao dịch với nhau. Trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên đôi khi có thể phát sinh vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng và bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi vi phạm hợp đồng mà mình gây ra. Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi đối với chủ thể không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật; bên vi phạm hợp đồng phải chịu hậu quả bất lợi tương ứng với mức độ hành vi vi phạm đó gây ra.

Tuy nhiên, trong quan hệ kinh doanh, thương mại, khi một bên vi phạm hợp đồng nhưng có thể được miễn trừ trách nhiệm trong một số trường hợp do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định tại Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005:

Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.”

Quá đó có thể hiểu miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo quy định pháp luật.

Thứ nhất, miễn trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Pháp luật cho phép các bên có quyền tự thỏa thuận các trường hợp được miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, thực tiễn khi giao kết hợp đồng các bên ít thỏa thuận trực tiếp về các trường hợp miễn trách nhiệm. Có thể do chưa có thói quen hoặc chưa thấy hết tầm quan trọng của vấn đề này hoặc có thỏa thuận nhưng chung chung, không rõ ràng. Nếu các bên thỏa thuận rõ thì đó là cơ sở pháp lý lý vững chắc cho việc giải quyết tranh chấp thao hình thức thương lượng, hòa giải hay theo tố tụng Tòa án, Trọng tài. Nếu các bên không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì sẽ phải áp dụng quy định Pháp luật về vấn đề này.

Thứ hai, miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tại Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 đã định nghĩa: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tuy nhiên, không phải cứ có sự kiện bất khả kháng là được miễn trách nhiệm hợp đồng, họ chỉ được miễn trách nhiệm khi họ đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại 2005. Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá thời hạn nêu trên thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Bên từ chối thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong thời hạn 10 ngày theo quy định tại Khoản 3 Điều 296 Luật Thương mại 2005.

Thứ ba, miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên do lỗi hoàn toàn của bên còn lại. Khi hành vi của một bên là nguyên nhân dẫn đến việc bên còn lại không thực hiện đúng hợp đồng thì bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm. Lỗi của bên bị vi phạm có thể là nguyên nhân trực tiếp của việc không thực hiện đúng hợp đồng hoặc có thể là nguyên nhân gián tiếp của việc thực hiện không đúng hợp đồng như cung cấp thông tin không đầy đủ và từ việc này dẫn đến kết quả thực hiện hợp đồng không được như mong đợi. Bên vi phạm có thể viện dẫn những yếu tố này để miễn trừ trách nhiệm của mình.

Thứ tư, miễn trách nhiệm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Quyết định của Cơ quan Nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là bên vi phạm phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, nếu các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.

Khi áp dụng quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng, Bên vi phạm ngoài việc chứng minh các trường hợp được miễn trách nhiệm thuộc nghĩa vụ của bên có vi phạm hợp đồng còn có nghĩa vụ thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra theo quy định tại Điều 295 Luật Thương mại 2005.

Trong trường hợp, không có căn cứ để áp dụng một trong các trường hợp trên để miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm thì Bên vi phạm có thể yêu cầu giảm mức bồi thường nếu có căn cứ cho rằng Bên bị vi phạm không hạn chế tổn thất theo quy định tại Điều 305 Luật Thương mại 2005.

Ngoài ra, nếu Bên vi phạm không thể áp dụng được một trong các trường hợp miễn trách nhiệm cũng như không áp dụng được giảm mức bồi thường do Bên bị vi phạm không thể hạn chế tổn thất thì Bên vi phạm có thể thỏa thuận với Bên bị vi phạm để giảm mức bồi thường đến mức các bên có thể chấp nhận được nhằm tránh những thiệt hại về kinh tế và thời gian khi các bên giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán.

TG. Lữ Chu Bảo Long – Ban Biên soạn TNJ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *