Bàn về quyền miễn trừ của thẩm phán TAND

  • Tháng Ba 16, 2023
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận
(PLO)- Quyền miễn trừ của thẩm phán đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.

Đáng chú ý, về xây dựng cơ chế bảo vệ thẩm phán, dự thảo dự kiến bổ sung một quy định hoàn toàn mới là quyền miễn trừ của thẩm phán TAND.

Quy định miễn trừ của thẩm phán là cần thiết

Dưới góc nhìn của người từng là thẩm phán TAND Tối cao, TS – luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND có nhiều nội dung mới, thể hiện sự cải cách tư pháp mang tính đột phá lớn đối với ngành TAND, thể hiện vai trò của chức danh thẩm phán được đánh giá cao và nâng tầm trong hoạt động tư pháp.

Gắn liền với đó là sự thành lập Hội đồng Tư pháp bao gồm đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, TAND Tối cao, Tòa án Quân sự Trung ương và các chánh án TAND Cấp cao.

TS-LS Kim Vinh đánh giá quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế xây dựng chiến lược tổng thể cho sự phát triển của hệ thống TAND, chế độ, chính sách cho các chức danh tư pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Thời gian qua, ngành tòa án có rất nhiều quy định siết chặt quy chế, lề lối làm việc để nâng cao trách nhiệm trong công việc. Thế nhưng, các chế độ đãi ngộ, bảo vệ thẩm phán khi thực thi công việc rất hạn chế. Trong khi đó, quy định pháp luật thì chồng chéo, nhiều bất cập… khiến việc đánh giá đúng/sai trong giải quyết án không phải lúc nào cũng xác định rõ được.

“Do đó, khi đề ra những quyền và nghĩa vụ cho chức danh thẩm phán thì cũng cần xem xét trong tổng thể hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm các chức danh tư pháp khác như kiểm sát viên, điều tra viên… để có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật, thể hiện rõ vai trò và tính độc lập trong hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp” – TS-LS Kim Vinh nói. 

“Sai sót không phải do lỗi cố ý” là sai sót ở mức độ nào?

Theo TS-LS Kim Vinh, tại khoản 4 Điều 110 của dự thảo, cần làm rõ “sai sót không phải do lỗi cố ý” là sai sót ở mức độ nào, là sai phạm hay sai sót? Áp dụng một văn bản pháp luật đã hết hiệu lực có là sai sót? Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp sai nên áp dụng pháp luật sai, làm thiệt hại quyền lợi một bên đương sự là sai sót cố ý hay vô ý? Xử hình sự oan sai là lỗi cố ý hay vô ý vì có nhiều vụ án, việc có tội hay không có tội phụ thuộc vào quan điểm. Quyết định của tòa cấp sơ thẩm sẽ còn được xem xét tiếp ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, giám đốc thẩm của giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc xác định lỗi cố ý hay vô ý cần có hội đồng đánh giá, nếu không sẽ trở nên tùy tiện trong việc xử lý người vi phạm.

“Vì vậy, đi đôi với quyền miễn trừ trách nhiệm của thẩm phán thì cũng cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của thẩm phán trong hoạt động tố tụng cùng những chế tài” – TS-LS Kim Vinh nói.

Theo Nguyễn Văn Hiệp – Ban Biên soạn TNJ – Phỏng theo Báo Pháp luật (plo.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *