Vợ chồng ly hôn đòi bắt cá lên phân chia, pháp luật quy định sao?

  • Tháng Ba 16, 2023
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận

Nếu vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, tòa án sẽ cho định giá toàn bộ cá ở hồ, ai nhận cá thì thanh toán phần chênh lệch cho người còn lại.

 

Như Thanh Niên đã thông tin, mới đây, TAND H.Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã hòa giải thành vụ án ly hôn khá hy hữu giữa 2 vợ chồng đòi phân chia cá đang nuôi dưới hồ, trong phần diện tích đất mà cả 2 vợ chồng đang thuê.

Chị T. với anh M. kết hôn năm 2015, có 2 con chung. Do mâu thuẫn trong hôn nhân, người vợ làm đơn ra tòa đề nghị được ly hôn. Chị yêu cầu tòa cho chị được nuôi 2 con nhỏ và phân chia tài sản chung của 2 vợ chồng, trong đó có số lượng cá đang nuôi ở hồ.

Vụ vợ chồng ly hôn đòi bắt cá lên phân chia, pháp luật quy định sao? - Ảnh 1.

Hồ nuôi cá của vợ chồng chị T. trước khi ly hôn

“Ban đầu, người vợ cho rằng cá nuôi trong hồ là 5 tấn, có giá 70.000 đồng/kg. Đôi bên mâu thuẫn đỉnh điểm, nên không ai nhường nhịn ai”, thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn, người trực tiếp giải quyết vụ án nói.

Thấy vậy, người chồng đưa ra phương án: “Nếu vậy, tòa cho kéo hết cá dưới hồ lên. Được con nào thì chia con ấy”.

Thẩm phán phân tích, nếu các bên không thỏa thuận được, đành phải thuê người kéo cá lên và thành lập hội đồng thẩm định giá. Khi ấy sẽ tốn công, mất thêm chi phí và cũng khó tránh được rủi ro cá sẽ chết…

Sau nhiều lần thuyết phục, vị thẩm phán cũng thở phào. Chị T. và anh M. thống nhất cá trong hồ là 1 tấn, giá bán 30.000 đồng/kg. Anh M. nhận cá, chia lại tiền cho chị T.

Ngoài ra, tòa cũng đã xử công nhận thuận tình ly hôn giữa 2 người. Đồng thời, tòa giao cho chị T. được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé mới 2 tuổi; anh M. được nuôi bé 6 tuổi.

Giả sử, các bên không thể thỏa thuận, vậy pháp luật quy định sao về trường hợp này?

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (Giám đốc Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND Tối cao) chia sẻ, căn cứ Điều 59 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật. Nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng, thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Luật sư Kim Vinh cho rằng, cá nuôi trong hồ với số lượng lớn, sẽ khó có thể chia bằng hiện vật và nếu chia cũng khó có thể đảm bảo đồng đều tuyệt đối. Ngòai ra, các bên còn phải chịu thêm chi phí thẩm định giá, nhân công thuê người kéo cá… Cho nên cách tốt nhất là đôi bên nên tự thỏa thuận. Nếu không được nữa thì tòa sẽ cho định giá toàn bộ số cá ở hồ.

Để xác định bên nào được ưu tiên nhận số cá trong ao, tòa án tiếp tục căn cứ vào Điều 59 luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động, tạo thu nhập”.

Trong trường hợp, cả hai cùng muốn nhận nuôi cá, tòa án sẽ xem xét giao cá trong hồ cho người có kinh nghiệm hơn trong việc nuôi cá và buộc người nhận cá phải thanh toán giá trị chênh lệch cho người còn lại.

Theo Nguyễn Văn Hiệp – Ban Biên soạn TNJ – Phỏng theo Báo Thanh niên (thanhnien.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *