Như PLO đã phản ánh, cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ vụ bị án Mạc Văn Hào (32 tuổi, huyện Phú Riềng, Bình Phước) uống thuốc sâu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước chiều ngày 24-8.

Liên quan đến vụ việc này nhiều người thắc mắc, kết quả phiên tòa phúc thẩm chuyển từ 30 tháng tù treo sang tù giam của TAND tỉnh Bình Phước có thỏa đáng hay không?

Không có căn cứ để xử án treo
LS.TS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phân tích, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên.
Hào có hành vi chưa chuẩn mực đối với chị C. nên đã bị anh Sao (em chị C.)  đánh. Tuy nhiên khi về nhà Hào đã mang dao và kéo quay lại tìm anh Sao đâm trả thù.

Vụ bị án tự tử ở tòa Bình Phước: Không thể xử án treo  - ảnh 1
Lực lượng công an sơ cứu cho Hào tại TAND tỉnh Bình Phước. Ảnh: Người dân cung cấp

Việc bị cáo chuẩn bị sẵn hung khí mang từ nhà đi tìm và đâm người bị hại từ đằng sau, làm nạn nhân không thể chống đỡ là hành vi vô cùng nguy hiểm.
Với hành vi có tính côn đồ này, căn cứ tại Điều 3 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì trường hợp của Hào không được hưởng án treo. TAND tỉnh Bình phước đã nhận định đúng tính chất hành vi phạm tội không cho Hào hưởng án treo là đúng quy định, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
LS.TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc dự tiệc, bị cáo đã đánh người khác. Khi được mọi người can ngăn, bị cáo đã về nhà nhưng tiếp tục chuẩn bị dao, kéo là các hung khí nguy hiểm. Hào đã tấn công bị hại vào vị trí trọng yếu của cơ thể (lưng) khi bị hại đang ở trong thế bị động, gây thương tật 15%.
Hành vi này thể hiện tính chất côn đồ, vì mâu thuẫn nhỏ nhưng quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Việc tòa sơ thẩm cho bị cáo Hào hưởng án treo là không phù hợp,  bản án phúc thẩm không cho hưởng án treo là có căn cứ.
Cần truyền thông pháp luật tới người dân
Luật sư Trạch cho rằng việc các đương sự tự xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân với mục đích phản đối các bản án của tòa không còn lạ. Tuy nhiên hành vi này trước hết gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho bản thân, sau nữa tạo ra một tiền lệ rất xấu trong lĩnh vực tư pháp.
Những hành vi này còn ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội nói chung.
Pháp luật hình sự đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với bản án, quyết định hay hành vi của người hoặc cơ quan tiến hành tố tụng. Với bản án đã có hiệu lực thì luật cho phép đương sự có quyền đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Do đó, khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm thì các đương sự cần bình tĩnh, không nên có những hành vi quá khích. Đương sự không nên tự xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân hay quyền lợi của người khác. Hãy tự bảo vệ mình bằng việc khiếu nại, tố cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã ban hành.
Luật sư Kim Vinh nhấn mạnh, khi Hào bị chuyển từ án treo thành án giam và phản kháng bằng cách uống thuốc sâu tự tử, cho thấy Hào đã chọn cách phản ứng tiêu cực.
Các tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật tới người dân, để họ nhận thức được những hậu quả mà họ phải gánh chịu trước khi có hành động nông nổi.
Theo Nguyễn Văn Hiệp – Ban Biên soạn TNJ – Phỏng theo Báo Pháp luật (plo.vn)