VIỆC THAY ĐỔI, BỔ SUNG YÊU CẦU KHỞI KIỆN CỦA NGUYÊN ĐƠN TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM

  • Tháng Tám 16, 2021
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận

Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại cấp Sơ thẩm, đương sự có quyền quyết định về yêu cầu khởi kiện của mình theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) về “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”. Theo đó, các đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, đưa ra yêu cầu và trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình. Trong đó, nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu của mình theo quy định tại Điều 71, Điều 243 và Điều 244 BLTTDS, cụ thể:

Điều 71. Quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn

  1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
  2. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

 

Điều 243. Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

Thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu được bắt đầu bằng việc chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề sau đây:

  1. Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.
  2. Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không.
  3. Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không.

 

Điều 244. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

  1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
  2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

 

Vấn đề đặt ra là liệu rằng Nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hay không, việc thay đổi, bổ sung đó cần có những điều kiện nào và hậu quả pháp lý ra sao?

Căn cứ Khoản 2 Điều 5 và Khoản 2 Điều 71 BLTTDS 2015 quy định Đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Căn cứ Điều 244 BLTTDS 2015, Nguyên đơn được quyền thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện cho đến khi xét xử sơ thẩm nếu việc thay đổi, bổ sung đó của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Vậy trong trường hợp trước khi đưa vụ án ra xét xử, nguyên đơn có thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu khởi kiện thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Việc thay đổi địa vị tố tụng trước khi mở phiên tòa trong trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện và bị đơn có yêu cầu phản tố? Theo đó, căn cứ hướng dẫn tại mục 7 Phần IV Văn bản giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của Tòa án nhân dân tối cao như sau:

  • Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
  • Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.
  • Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 217 BLTTDS, trường hợp Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn. Trường hợp Nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án.

Với hướng dẫn trên cho thấy, có thể hiểu tương tự đối với việc các đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập, cụ thể :

  • Nếu trước thời gian mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Nguyên đơn có quyền tự do thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, cho dù yêu cầu khởi kiện mới có thể vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nhưng phải thỏa mãn điều kiện là phải đóng tạm ứng án phí cho phần yêu cầu bổ sung vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, những yêu cầu được bổ sung hay thay đổi phải được các bên công khai chứng cứ và hòa giải cho yêu cầu mới thay đổi hay bổ sung.
  • Nếu tại phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải hay tại phiên Tòa thì việc thay đổi hay bổ sung yêu cầu không được vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Yêu cầu khởi kiện bổ sung xem là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu có thể được hiểu là việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật tranh chấp, tăng thêm giá trị yêu cầu, … Nói như vậy, có thể hiểu rằng đương sự chỉ có thể rút bớt yêu cầu chứ không thể tăng thêm yêu cầu của mình.
  • Trước phiên Tòa Sơ thẩm mà Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, Bị đơn có yêu cầu phản tố không rút hay chỉ rút một phần yêu cầu thì Tòa ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn.

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng BLTTDS 2015 không có quy định giới hạn bao nhiêu phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà Toà án có thể mở trong quá trình giải quyết vụ việc. Vì vậy, có nhiều trường hợp Toà án đã tổ chức nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải do một trong các bên muốn kéo dài vụ án nên việc giao nộp chứng cứ mới được thực hiện nhiều lần, nhỏ giọt, hay có tình tiết mới phát sinh bởi cơ quan chức năng, … Như vậy, Nguyên đơn có thể thay đổi yêu cầu khởi kiện vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu trước khi Toà án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ 02, lần thứ 03 hay không? Đây là điều mà BLTTDS 2015 còn bỏ ngõ và Toà án nhân dân Tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên có nhiều quan điểm áp dụng khác nhau trong hệ thống Toà án. Chính là kẽ hở của pháp luật, là một trong những nguyên nhân quá trình tố tụng Tòa án bị kéo dài.

Do đó, theo chúng tôi, Toà án nhân dân Tối cao nên có hướng dẫn rõ hơn về thời điểm các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, có thể thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện mà yêu cầu mới đó vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, cũng như tạo sự nhất quán trong việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này trong hệ thống Toà án. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cũng như đảm bảo quyền tự định đoạt của Nguyên đơn, chúng tôi cho rằng Toà án nhân dân Tối cao nên hướng dẫn theo hướng cho phép các bên đương sự được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước thời điểm diễn ra phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đầu tiên, trừ trường hợp chứng cứ phát sinh từ phía cơ quan chức năng sau thời điểm Tòa mở phiên họp lần đầu thì buộc phải mở phiên họp tiếp theo để công khai chứng cứ mới

Thêm vào đó, BLTTDS 2015 cũng không quy định về thời gian bắt buộc đối với Tòa án phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sau khi đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Đây cũng chính là vướng mắc tồn tại trong quy định của BLTTDS 2015 mà cần phải có kiến nghị sửa đổi bổ sung.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  2. Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của TANDTC;
  3. https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ban-ve-pham-vi-khoi-kien-va-quyen-thay-doi-bo-sung-yeu-cau-cua-duong-su-theo-blttds-nam-2015

TG. Hoàng Thị Hồng Lĩnh – Ban Biên soạn TNJ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *