Tháng 9-2017, tôi nhận được một bộ hồ sơ của gia đình bảy cựu chiến binh (CCB) ở Đắk Nông gửi đến tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM cầu cứu. Họ cho rằng người chồng, người cha mình đang bị bắt tạm giam và bị TAND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) kết án oan sai.
Lặn lội vào sâu trong rẫy để tìm… rừng
Hồ sơ thể hiện, tại cuộc họp tháng 1-2015, Chi hội CCB thôn đã thống nhất phát dọn rừng để lấy đất trồng cây keo gây quỹ vì thế họ bị cáo buộc đã hủy hoại 0,78 ha rừng.
Khi hồ sơ đến tay chúng tôi, họ đã trải qua ba phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm với mức án 6-7 tháng tù về tội hủy hoại rừng. Vấn đề đặt ra là tại sao vào tháng 3-2015, Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa có văn bản khẳng định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Nghĩa là rừng đã bị tàn phá 100% trước khi Chi hội CCB dọn dẹp rừng. Vậy căn cứ vào đâu mà TAND thị xã kết tội họ hủy hoại rừng?
Với những băn khoăn trên, tôi ôm hồ sơ tới gặp luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, (cựu thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM) để nhờ chị phân tích giúp. Chị khẳng định việc kết tội bảy CCB là không có sơ sở. Tôi mạo muội lên tiếng nhờ chị bào chữa miễn phí cho bảy CCB tại phiên tòa phúc thẩm lần hai sắp tới.
Biết lời mời này thật khó, bởi đối với một người trẻ tuổi như tôi, quãng đường từ TP.HCM đến tỉnh Đắk Nông khoảng 300 km, mất 5 tiếng ngồi xe là đã thấy đuối, huống hồ người phụ nữ ngoài 60 tuổi. Thật bất ngờ, chị chấp nhận lời mời của tôi.

'Còn sức khỏe, đi bất cứ đâu giúp dân tôi cũng sẵn lòng' - ảnh 1
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (bìa trái) cùng đồng nghiệp đi tìm chứng cứ bảo vệ cho bảy CCB. Ảnh: NGÂN NGA

Trước ngày xử phúc thẩm, ngoài những chứng cứ có trong hồ sơ, để củng cố niềm tin vững chắc, chúng tôi quyết định đến hiện trường vụ án nằm sâu trong rẫy của người dân. Con đường đất đỏ gồ ghề với những đoạn dốc trơn trượt khiến chúng tôi phải bỏ xe gắn máy lại, cùng dìu nhau mà đi. Tôi mệt và có chút sợ về đoạn đường nguy hiểm nhưng chị vẫn mạnh mẽ bước đi: “Xung quanh hiện trường toàn là rẫy của người dân. Vậy rừng đâu?” – Lluật sư Nguyễn Thị Kim Vinh thốt lên.
Trên đường ra khỏi “rừng”, chúng tôi ghé nhà thắp nhang cho anh Đoàn Xuân Trường. Anh Trường qua đời vì sức khỏe trước khi phiên tòa phúc thẩm lần hai diễn ra. Bảy CCB thì có hết sáu nhà thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trong đóhai người sức khỏe yếu phải đi cấp cứu khi đang ở trại tạm giam.
Sau hai ngày xét xử, có những lúc người dự khán dường như cũng nhận thấy kiểm sát viên đã đuối lý trước những lập luận của chị và ba vị luật sư đồng nghiệp đưa ra. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy đã không được tòa ghi nhận. Lần này, TAND tỉnh Đắk Nông đã bác kháng cáo kêu oan của bảy CCB, tuyên y án sơ thẩm.
Ngày các CCB ra tù, những thân hình ốm yếu ấy đã đến TP.HCM cảm ơn chị đã đồng hành. Hiện chị vẫn miệt mài giúp họ soạn thư để tiếp tục kêu oan lên cấp giám đốc thẩm.
Người phụ nữ đầy quyết liệt
Dù kết quả của vụ án trên chưa đạt được cái đích mà chúng tôi nhắm đến nhưng chúng tôi thấy được ở chị là một người tâm huyết với nghề, với thân chủ của mình. Thế rồi, một lần nữa chúng tôi lại mạo muội nhờ chị bào chữa miễn phí cho năm công dân cưa gỗ trắc chết khô ở Kon Tum.
Đây là vụ án mà rất nhiều lần Pháp Luật TP.HCM đấu tranh theo hướng việc TAND huyện Đăk Hà kết tội các bị cáo về tội trộm cắp tài sản là đang áp dụng sai quy định pháp luật. Bởi hành vi vào rừng đặc dụng cưa khúc gỗ trắc chết khô (với khối lượng 0,123 m3) có dấu hiệu của tội khai thác trái phép nhưng do không đủ định lượng (trên 5 m3) nên chỉ có thể xử phạt hành chính chứ chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

'Còn sức khỏe, đi bất cứ đâu giúp dân tôi cũng sẵn lòng' - ảnh 2
Luật sư Vinh cùng với đồng nghiệp bào chữa cho năm bị cáo trong vụ án cưa gỗ khô ở Kon Tum. Ảnh: NGÂN NGA

Chị bắt tay tham gia khi vụ án đang ở giai đoạn nóng bỏng, gấp rút bởi đây là phiên tòa phúc thẩm thứ hai, sẽ quyết định các bị cáo tiếp tục ở nhà lo cho vợ con hay vào trại giam. TAND tỉnh Kon Tum đã lên lịch xét xử nhưng khi chị cùng các luật sư (từ TP.HCM, Đồng Nai), bị cáo, người dân đến đông đủ, tòa lại hoãn nhiều lần. Chúng tôi ngậm ngùi, thất thểu ra về. Gia đình các bị cáo bắt đầu lo lắng, liệu rằng chị và bốn vị luật sư còn lại có nản mà bỏ họ giữa chừng không?
Nhưng những lo lắng ấy thật thừa. Chị vẫn quyết tâm, chưa từng có ý định bỏ cuộc. Chị không tin rằng những thành viên trong HĐXX lại có sức khỏe tệ hơn một người “cao tuổi” như chị. Thế rồi chị đã cùng các đồng nghiệp thuyết phục được chánh án phải bổ sung thẩm phán và thư ký dự khuyết để khi người này bị bệnh thì đã có người khác thay thế, tránh việc mất thời gian, công sức đi lại của người dân. Nhờ vậy mà phiên tòa lần sau được diễn ra suôn sẻ.
Chị và các đồng nghiệp của mình đã ghi tên vào lịch sử ngành tư pháp khi thuyết phục được cả ba thành viên trong HĐXX tuyên liền một lúc cả năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản tại phiên tòa phúc thẩm lần hai ngày 1-6-2018.
Điều đáng buồn là không lâu sau đó, TAND Tối cao kháng nghị, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy bản án trên. Cuối cùng, tháng 8-2019, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm (lần ba) đã xét xử năm bị cáo có tội.

'Còn sức khỏe, đi bất cứ đâu giúp dân tôi cũng sẵn lòng' - ảnh 3
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh cùng với đồng nghiệp gõ cửa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để kêu oan cho năm bị cáo trong vụ án cưa gỗ khô ở Kon Tum. Ảnh: NGÂN NGA

Luật sư Kim Vinh và các đồng nghiệp của mình vẫn quyết tâm phải giành lấy lẽ phải. Hằng ngày họ vẫn ôm hồ sơ gõ cửa khắp các cơ quan có thẩm quyền từ TP.HCM, Tây Nguyên, Đà Nẵng, Hà Nội với niềm hy vọng công lý phải được thực thi.
“Công việc luật sư luôn cuốn hút chị mỗi ngày một bận rộn hơn. Chị luôn tìm thấy niềm vui trong vất vả, hạnh phúc khi được sống trong tâm trạng vui, buồn cùng đồng nghiệp và cùng thân chủ” – luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh chia sẻ.
“Vậy khi nào gặp vụ án khó và ở xa, chị vẫn sẵn lòng đồng hành cùng PLO hỗ trợ pháp lý cho người dân nữa chứ?” – tôi hỏi.
“Dĩ nhiên rồi. Còn sức khỏe đi đâu chị cũng đi” – chị nữ luật sư nở nụ cười thân thiện.