THỜI ĐIỂM PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

  • Tháng Tám 18, 2021
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận

Hiện nay, cá nhân và Doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nhằm phòng ngừa rủi ro ngày càng nhiều, đây cũng là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giao kết Hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản cũng là bằng chứng cho thấy sự ràng buộc quyền và nghĩa vụ các Bên về quyền yêu cầu được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm đóng phí của Bên tham gia bảo hiểm. Theo đó, việc thỏa thuận thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là quan trọng khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm, vì đây là thời điểm khi có sự kiện bảo hiểm, Bên tham gia bảo hiểm có được yêu cầu Doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bồi thường, tổn thất như Hợp đồng mà các Bên đã ký kết hay không. Do đó, pháp luật về bảo hiểm quy định như thế nào về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm sẽ được làm rõ dưới đây để Bên tham gia bảo hiểm có thể lưu ý khi tham gia ký kết Hợp đồng bảo hiểm.

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm được quy định tại Điều 15 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 và năm 2019 (sau đây gọi tắt là “LKDBH”), cụ thể như sau:

“Điều 15. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:

  1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm;
  2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm;
  3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.”

Theo quy định trên, cho thấy hiệu lực hợp đồng bảo hiểm phát sinh đạt đủ hai điều kiện: khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết và bên mua đã đóng đủ phí bảo hiểm trừ khi có thỏa thuận nợ phí bảo hiểm. Ngoài ra, trường hợp Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm có thể làm Hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt, các trường hợp chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm được quy định cụ thể tại Điều 23 LKDBH.

Điều 23. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm;
  2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
  3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.

Đối với bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm đã được quy định cụ thể tại Điều 14 LKDBH, cụ thể bằng chứng giao kết bảo hiểm có thể là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

Hiện nay, mặc dù pháp luật có quy định cụ thể về thời điểm phát sinh trách nhiệm nhiệm bảo hiểm, tuy nhiên việc xảy ra tranh chấp về hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm khi Bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn như Hợp đồng hoặc việc Bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm trễ hạn nhưng Doanh nghiệp bảo hiểm không trả lời mà vẫn xuất hóa đơn thuế cho Bên mua bảo hiểm, như vậy khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì Bên mua bảo hiểm có được bồi thường hay không? Thực tế, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (”HĐTP”) đã ban hành 02 Án lệ liên quan đến vấn đề hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm cho các trường hợp này, cụ thể là Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm (“Án lệ số 23”) và Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm (“Án lệ số 37”).

Đối với Án lệ số 23, HĐTP đã ban hành giải pháp Án lệ để áp dụng trong trường hợp nếu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ thể hiện người mua bảo hiểm lựa chọn hình thức thu phí bảo hiểm là tại địa chỉ nhà của bên mua bảo hiểm và nếu khi đến thời hạn đóng phí bảo hiểm và trong thời gian gia hạn đóng phí, nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm không đến thu phí của người mua bảo hiểm thì phải xác định người mua bảo hiểm không có lỗi trong việc chưa đóng phí. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không bị mất hiệu lực vì lý do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn theo thỏa thuận. Theo đó, Án lệ này có thể áp dụng tương tự trong trường hợp người mua bảo hiểm không đóng tiền phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm (ví dụ: nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện thu tiền bảo hiểm theo thoả thuận) thì Hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực. Do đó, trong trường hợp này, trách nhiệm bảo hiểm vẫn được phát sinh và Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chi trả tiền bồi thường cho người thụ hưởng.

Đối với Án lệ số 37, HĐTP đã đưa ra giải pháp Án lệ áp dụng trong trường hợp tương tự “…[4]… Khi nhận được tiền phí bảo hiểm của Công ty N, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 không có ý kiến gì và cũng không có văn bản thông báo về việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm thì hai Hợp đồng trên đã không còn hiệu lực từ ngày 01-5-2015, mà Bảo hiểm P1 vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về hai khoản tiền đóng bảo hiểm này của Công ty N, nên mặc nhiên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hai hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực Thi hành. [5] Do đó, Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải có trách nhiệm bồi thường theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết.”

Như vậy, căn cứ theo Khoản 2 Điều 23 LKDBH, trong trường hợp các Bên không có thỏa thuận khác, khi một Bên đóng phí bảo hiểm không đúng thời hạn theo thỏa thuận thì mặc nhiên Hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt kể từ khi hết thời hạn đóng phí theo thoả thuận. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn đóng phí bảo hiểm mà Bên mua bảo hiểm mới đóng phí và Doanh Nghiệp bảo hiểm vẫn nhận, xuất hóa đơn GTGT và kê khai thuế thì được xem là trường hợp các bên đã thoả thuận lại thời hạn đóng phí bảo hiểm và như vậy có căn cứ cho thấy Doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận phí bảo hiểm được người mua bảo hiểm nộp nên Hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực và sẽ không mặc nhiên chấm dứt như Điều 23 LKDBH quy định. Do đó, trách nhiệm bảo hiểm vẫn phát sinh và Bên mua bảo hiểm vẫn được bồi thường tổn thất xảy ra.

Nội dung Án lệ số 37 là phù hợp với ý chí của các bên, theo đó, nếu Doanh nghiệp bảo hiểm đã muốn chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm vậy tại sao lại còn xuất hóa đơn GTGT và kê khai thuế như một khoản thu nhập của Doanh nghiệp. Điều này càng làm rõ hơn việc Doanh Nghiệp bảo hiểm cho phép Bên mua bảo hiểm đóng trễ mà bản chất là thời hạn đóng phí bảo hiểm đã được các bên gia hạn, do đó, Hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực và tất nhiên Bên mua bảo hiểm sẽ được bồi thường khi có sự kiện phát sinh.

Từ các quy định pháp luật và Án lệ như đã phân tích như trên, việc thỏa thuận thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là quan trọng, do đó các Doanh nghiệp bảo hiểm và Bên mua bảo hiểm cần lưu ý để tránh xảy ra tranh chấp, cụ thể dựa vào quy định của LKDBH, trong Hợp đồng các Bên cần phải thỏa thuận rõ ràng về việc đóng phí bảo hiểm và các trường hợp chấm dứt Hợp đồng khi không đóng đủ phí bảo hiểm, các trường hợp có thể gia hạn đóng phí bảo hiểm, các trường hợp đương nhiên hồi phục hiệu lực của Hợp đồng để các Bên có thể dựa vào đó thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách minh bạch và rõ ràng.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi năm 2010 và năm 2019;
  2. Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm;
  3. Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm.

TG. Nguyễn Phan Hùng Kiệt – Ban Biên soạn TNJ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *