MỔ XẺ PHIÊN TOÀ ‘TRÙM’ XĂNG GIẢ TRỊNH SƯỚNG

  • Tháng Tư 23, 2021
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận

Phỏng vấn TS Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH TNJ

Những ngày qua, TAND tỉnh Đăk Nông đang xét xử Vụ án “Trịnh Sướng và 38 đồng phạm” về tội sản xuất và buôn bán hàng giả là “xăng giả”. Phiên toà có 21 Luật sư tham gia bào chữa, hồ sơ vụ án có trên 130.000 bút lục. Sau quá trình xét hỏi, chiều ngày 16/04/2021, đại diện VKS đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, cụ thể: bị cáo cầm đầu vụ Trịnh Sướng bị đề nghị từ 12 – 13 năm tù; bị cáo Mai Trung Hậu (Cần Thơ) bị đề nghị từ 05 – 06 năm tù; bị cáo Nguyễn Ngọc Quan (TP.HCM) bị đề nghị từ 05 – 06 năm tù; các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hoà (Cần Thơ), Đinh Chí Dũng và Hồ Xuân Cường (cùng ở TP.HCM) cùng bị đề nghị từ 07 – 08 năm tù; các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 03 năm án treo đến 08 năm tù. Đáng chú ý, sau quá trình tranh luận, VKS đã ghi những luận cứ bào chữa của các vị Luật sự, theo đó chấp nhận rút truy tố đối với phần định lượng gần 33 triệu lít dung môi pha xăng giả, đồng thời thay đổi mức án đề nghị theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với đa số các bị cáo. Điều đặc biệt ở phiên toà này là cách thức điều hành phiên xử của HĐXX cho thấy có nhiều chỉ dấu tiến bộ về mặt tố tụng, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp mà các Nghị quyết của Bộ Chính trị đã từng nêu ra từ 15 năm về trước.

Trao đổi với TS – Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH TNJ và Luật sư Nguyễn Thành Công – 02 trong số các Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này.

Phóng viên: “Thưa Luật sư Thành Công, là một Luật sư đã và đang tham dự bào chữa cho các bị cáo, mong Luật sư cho biết những ấn tượng của mình về phiên toà này?”

+ Luật sư Nguyễn Thành Công: “Tôi và các Luật sư đồng nghiệp có khá nhiều ấn tượng đối với phiên toà này, đầu tiên chính là thái độ của Toà án mang tính “trọng thị”, thể hiện ở các Giấy triệu tập cho các bị cáo, Giấy mời cho các Luật sư. Đặc biệt là cách điều hành phiên toà của HĐXX thể hiện sự cải cách tố tụng rất lớn, đồng thời cũng là thể hiện sự tôn trọng đối với các Luật sư, các bị cáo cũng như những người tham gia phiên toà.

Phóng viên: “Thưa Luật sư Kim Vinh, mong Luật sư chia sẻ cảm nhận của Luật sư đối với phiên toà này?”

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh: “Tôi đồng ý với các nhận xét vừa rồi về phiên toà của Luật sư Công, ngoài ra, tôi nhận thấy từ khâu tiến hành triệu tập, sắp xếp lịch thẩm vấn sao cho hợp lý về mặt thời gian để tất cả những người tham gia phiên toà có thể chủ động trong công việc của mình, việc sắp xếp chỗ ngồi và sự điều khiển phiên toà của HĐXX rất chỉn chu. Các Luật sư và những người tham gia tố tụng khác đều có rất nhiều công việc khác nhau, một phiên toà có nhiều bị cáo, nhiều người tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc thường ngày của những người tham gia tố tụng. Vì vậy, việc sắp xếp sẵn về lịch trình phiên toà của HĐXX sẽ giúp mọi người bố trí, sắp xếp công việc một cách hợp lý và khoa học.

Phóng viên: “Thưa Luật sư Công, bị cáo là một danh từ dùng để chỉ người bị VKS cáo buộc về hành vi phạm tội và đã được Toà án đồng ý đưa ra xét xử. Nhưng trong phiên toà này, Chủ toạ phiên toà lại thông báo các bị cáo được phép xưng “tôi”. Không biết rằng Luật sư Công có ý kiến gì về vấn đề này.”

Luật sư Nguyễn Thành Công: “Trong phiên toà này, Chủ toạ phiên toà có thông báo với bị cáo là được phép xưng “tôi” hoặc là “bị cáo”, và cũng trong quá trình xét xử, đã có bị cáo tự mình xưng “bị cáo” nhưng Chủ toạ phiên toà vẫn nhắc nhở là bị cáo có quyền xưng “tôi”. Rõ ràng, trong vụ án này, cách hướng dẫn cho các bị cáo xưng minh là “tôi” đã thể hiện sự tôn trọng của HĐXX đối với các bị cáo, bởi lẽ họ là “bị cáo” – tức là người bị cáo buộc và bị đưa ra xét xử bằng cáo trạng, cho nên xưng là bị cáo thì cũng là đúng, và xưng tôi thì vẫn là đúng, vì không ai bị xem là tội phạm khi chưa có một bản án có hiệu lực pháp luật kết tội họ nên họ chưa phải là tội phạm, việc cho phép các bị cáo xưng “tôi” thể hiện sự tôn trọng pháp luật và tôn trọng các bị cáo từ phía HĐXX.

Phóng viên: “Thưa Ls Kim Vinh, trong phiên toà lần này, VKS đã rút lại một phần cáo trạng truy tố và thay đổi mức án đề nghị tại phần tranh luận, vậy điều này có thường xuyên xảy ra hay không?”

Luật sư Kim Vinh: “Theo tôi thì trường hợp này không xảy ra thường xuyên, tuy nhiên, trong vụ án này, vì các căn cứ để buộc tội các bị cáo không phải là các chứng cứ vững chắc mà VKS đã đưa ra, nên việc rút lại một phần cáo trạng truy tố của VKS là một công việc hết sức đúng đắn. Cáo trạng được rút lại tuy không nhiều, tuy nhiên đã thể hiện sự rõ ràng, minh bạch từ phía VKS khi VKS đã tôn trọng những vấn đề mà các vị Luật sư bào chữa đã dẫn chiếu để chứng minh rằng những chứng cứ buộc tội các bị cáo là chưa vững chắc và VKS đã ngay lập tức rút lại một phần cáo trạng. Tại phiên toà này, ngoài việc chuẩn bị rất tốt từ HĐXX, tôi thấy rằng phía Đại diện VKS cũng tham gia tranh tụng rất bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng đối với các Luật sư, tạo cho mọi người không bị áp lực bởi cách xưng hô, tạo sự thân thiện, chứ không phải VKS là một cơ quan công tố, Luật sư cũng không phải là “thầy cãi” một cách đơn thuần mà là cùng tìm ra sự thật khách quan của vụ án, đó mới thật sự là mục đích chính của một phiên toà.

Nguyễn Văn Hiệp – Phỏng theo Báo Pháp Luật (plo.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *