Dự thảo luật Đất đai: Đừng để tùy tiện thu hồi đất

  • Trang chủ /
  • Dự thảo luật Đất đai: Đừng để tùy tiện thu hồi đất

Dự thảo luật Đất đai: Đừng để tùy tiện thu hồi đất

  • Tháng Ba 16, 2023
  • Đăng bởi admin
  • 0 bình luận

Theo chuyên gia, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) quy định về thu hồi đất để làm dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị và khu dân cư nông thôn là không phù hợp.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Ngọc (Bí thư chi bộ khu phố 1, P.8, Q.10) cho rằng, Điều 78 dự thảo quy định “thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” còn chưa ổn.

Theo dự thảo, dự án xây dựng cơ sở tôn giáo; dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở, thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Bà Ngọc cho biết, 2 loại dự án này không phải là dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, dự án xây nhà ở thương mại, đây là do doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Do vậy, nhà đầu tư muốn có đất thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất, chứ nhà nước không nên thu hồi.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, điểm h, điểm i, khoản 2, Điều 78 dự thảo luật Đất đai quy định “dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở” và “dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở”, thuộc trường hợp thu hồi đất là chưa hợp lý.

Bởi theo luật sư Chánh, quy định trên có thể “triệt tiêu” cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo Điều 128 dự thảo. Dù nhà đầu tư có khả năng thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất với người dân để thực hiện dự án, thì cũng không thể triển khai. Bởi họ buộc phải chờ nhà nước lập dự án, thu hồi đất và giao đất qua cơ chế đấu giá, đấu thầu…

“Theo tôi, nhà nước cần hạn chế tối đa việc thu hồi đất để phát triển dự án đô thị, dự án khu dân cư. Thay vào đó hãy nên tập trung công tác quy hoạch và xây dựng giá đất hằng năm sát với giá thị trường”, luật sư Chánh nhấn mạnh.

Có như vậy mới xác định tiền sử dụng đất phù hợp, không xảy ra tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm số lượng khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, việc áp giá bồi thường… như thời gian qua.

Đừng để thu hồi đất tùy tiện

Luật sư – TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Giám đốc Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao), cũng cho rằng Điều 78 dự thảo luật Đất đai vẫn còn 3 bất cập lớn chưa được làm rõ.

Thứ nhất, dự thảo chưa làm rõ được các khái niệm “kinh tế – xã hội”, “lợi ích quốc gia, công cộng”, “dự án đô thị”, “dự án khu dân cư nông thôn” và “đất ở”. Việc này có thể bị lợi dụng để thu hồi đất một cách tùy tiện, thiếu minh bạch hoặc không đúng mục đích, nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, dự thảo đã liệt kê các trường hợp đất bị nhà nước thu hồi để thực hiện dự án. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất quy định tại khoản 3, Điều 78 dự thảo là rất chung chung. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt và xác định thế nào là đất thuộc trường hợp bị thu hồi để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Vấn đề thứ ba, luật sư Kim Vinh cho rằng, dự thảo luật Đất đai chưa bổ sung một số trường hợp thực sự cần thiết phải thu hồi đất, để phục vụ các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia.

“Theo tôi, cần có quy định rõ các khái niệm, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất. Việc ban hành các quy định mới, phải luôn bám sát tinh thần vì lợi ích của người dân, đảm bảo an ninh kinh tế – xã hội, nhưng vẫn phải tạo cơ chế minh bạch, thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền thi hành việc thu hồi đất”, luật sư Kim Vinh chia sẻ.

Theo Nguyễn Văn Hiệp – Ban Biên soạn TNJ – Phỏng theo Báo Thanh niên (thanhnien.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *