Đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đời sống xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo các Hợp đồng đã ký kết. Vậy theo quy định của pháp luật, dịch Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng để bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ hay không? Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về các điều kiện cần và đủ để một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng. Từ đó, đưa ra kết luận rằng dịch bệnh Covid-19 có phải là một sự kiện bất khả kháng và tiến hành phân tích hệ quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng đối với hợp đồng đã giao kết.
1. Quy định pháp luật Việt Nam về sự kiện bất khả kháng
Có thể nói rằng Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) không có Điều nào quy định về sự kiện bất khả kháng trong phần liên quan đến Hợp đồng. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 có định nghĩa về bất khả kháng nhưng nội dung này được đặt trong bối cảnh nhà làm luật đang diễn giải các quy định về Thời hiệu. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có thể viện dẫn Khoản 1 Điều 156 khi phân tích về sự kiện bất khả kháng.
Khoản 1, Điều 156 BLDS 2015 quy định “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo đó, một sự kiện được gọi là bất khả kháng khi hội đủ 03 yếu tố sau:
i) Xảy ra một cách khách quan:
Về nguyên tắc, một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó xảy ra mà không phụ thuộc vào ý chí của một bên hoặc các bên liên quan trong Hợp đồng/giao dịch dân sự. Ví dụ: chiến tranh, động đất, sóng thần, …
Tuy nhiên, nếu cho rằng sự kiện khách quan là sự kiện xảy ra không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao dịch là chưa đủ. Theo đó, chúng ta nên diễn giải rằng sự kiện xảy ra một cách khách quan là sự kiện xảy ra ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát của các bên tham gia giao dịch.
Ví dụ:
Một thời gian ngắn sau khi Công ty A và Công ty B ký kết Hợp đồng gia công hàng hoá thì công nhân Công ty A đã yêu cầu Công ty A chấm dứt các chính sách thiếu công bằng, bất hợp lý đối với công nhân và sau đó toàn bộ công nhân Công ty A đã đình công hàng loạt do không thoả thuận được với Công ty A. Sự việc chỉ được giải quyết dứt điểm trong 45 ngày sau khi sự việc đình công xảy ra và Công ty A chỉ chính thức hoạt động toàn bộ công suất trong 30 ngày tiếp theo sau đó do nhiều máy móc, nguyên liệu bị hư hỏng trong quá trình đình công. Do đó, Công ty A chậm giao hàng cho Công ty B gây thiệt hại cho Công ty B.
Trong trường hợp này, Công ty A không thể cho rằng sự kiện đình công của công nhân là sự kiện xảy ra một cách khách quan mặc dù sự việc này xảy ra ngoài ý muốn của Công ty A. Bởi lẽ, việc công nhân có đình công hay không là trong tầm kiểm soát của Công ty A, Công ty A hoàn toàn có thể giải quyết để vụ đình công không diễn ra. Do đó, sự việc Công ty A phải tạm dừng hoạt động và mất thời gian để tái khởi động hoạt động sau đó là sự việc mà Công ty A có thể kiểm soát được nên không thể xem là sự kiện khách quan.
ii) Không thể lường trước được:
Một sự kiện được xem là không thể lường trước được là sự kiện đó nằm ngoài khả năng dự đoán của các bên liên quan trong Hợp đồng/giao dịch dân sự tại thời điểm ký kết Hợp đồng. Vì vậy, trường hợp nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, một trong các bên đã lường trước hoặc có cơ sở để lường trước được sự kiện bất khả kháng đó sẽ xảy ra hoặc có thể xảy ra, nhưng không thông báo cho bên còn lại biết, đến khi thực hiện hợp đồng mới nêu ra sự kiện đó thì không được áp dụng để được miễn trách nhiệm.
iii) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép:
Đây là một quy định mở, việc xác định biện pháp như thế nào là trong khả năng cho phép cũng không được quy định hoặc hướng dẫn trong BLDS hay Luật Thương mại. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng trong trường hợp có sự kiện khách quan xảy ra mà các bên không thể lường trước khi ký kết Hợp đồng thì bên bị ảnh hưởng phải có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép để khắc phục các tác động của sự kiện đó đến việc thực hiện nghĩa vụ của Hợp đồng nhằm mục đích thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo Hợp đồng.
Nếu bị ảnh hưởng bởi sự kiện khách quan mà các bên không thể lường trước khi ký kết Hợp đồng, bằng mọi nỗ lực của mình, bên bị ảnh hưởng đã thực hiện tất cả các biện pháp trong khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được các ảnh hưởng của sự kiện đó thì sự kiện đó có thể được xem là Sự Kiện Bất Khả Kháng.
Trong thực tiễn thỏa thuận và thực hiện Hợp đồng, các bên thường hiểu và xem bất khả kháng là một sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát và khi sự kiện này xảy ra thì bên bị ảnh hưởng không khắc phục được hậu quả, ví dụ như: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất hay hoạt động núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ. Trên thực tế vận dụng pháp luật, một sự kiện có thể được xem là Sự Kiện Bất Khả Kháng nếu như sự kiện đó đáp ứng đủ các điều kiện của một Sự Kiện Bất Khả Kháng mà không cần phải liệt kê cụ thể trong Hợp đồng.
2. Dịch bệnh Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND TPHCM đã ban hành các văn bản sau liên quan đến dịch Covid 19:
Như vậy, có thể thấy rằng, dịch bệnh Covid – 19 là sự việc xảy ra một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của chúng ta, việc ban hành, áp dụng các văn bản phòng, chống dịch Covid – 19 của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng được xem là khách quan, ngoài ý muốn của các bên trong quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, để Covid-19 được xem là Sự Kiện Bất Khả Kháng thì phải xem xét trong từng trường hợp, từng Hợp đồng, tại từng thời điểm cụ thể.
3. Hệ quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng đối với Hợp đồng
Căn cứ Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 “trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Do đó, đối với giao dịch dân sự, BLDS 2015 cũng để ngỏ và tôn trọng sự thoả thuận của các bên về khả năng Sự Kiện Bất Khả Kháng không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm của bên bị ảnh hưởng nếu các bên có thoả thuận về điều này (Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015), quy định này cũng phù hợp với nguyên tắc tự do thoả thuận được quy định tại Khoản 2[1] Điều 3 BLDS 2015.
Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005, bên vi phạm nghĩa vụ theo Hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm khi xảy ra Sự Kiện Bất Khả Kháng. Theo đó, Sự Kiện Bất Khả Kháng là một trong những trường hợp mà bên bị ảnh hưởng đương nhiên được miễn trách nhiệm khi vi phạm Hợp đồng. Quy định này cũng không trái với quy định tại Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015, bởi lẽ, Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác với quy định của BLDS 2015 về điều kiện miễn trách nhiệm đối với Sự Kiện Bất Khả Kháng thì áp dụng pháp luật chuyên ngành để giải quyết. Do đó, có thể thấy rằng các bên không thể thoả thuận về việc một sự kiện nào đó dù đáp ứng được các yếu tố để trở thành sự kiện bất khả kháng nhưng bên bị ảnh hưởng vẫn phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại 2005 là phù hợp với thực tiễn trong hoạt động kinh doanh thương mại, tránh trường hợp doanh nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường dùng sự “tự do thoả thuận” về các điều khoản miễn trách nhiệm nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng để chèn ép các doanh nghiệp yếu thế, làm méo mó thị trường, tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh.
Dựa vào các quy định trên, có thể thấy rằng, bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm hợp đồng với bên bị vi phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác. Cần phải lưu ý rằng, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm nghĩa là không phải chịu khoản phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm Hợp đồng của mình chứ không phải là được miễn thực hiện nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng với bên còn lại, trừ trường hợp bên có quyền trong hợp đồng chủ động miễn một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ đó cho bên có nghĩa vụ.
Ví dụ:
Đối với hợp đồng vay tiền, nếu bên vay chứng minh được việc không thanh toán tiền vay đúng hạn là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (nếu được xem là sự kiện bất khả kháng), thì bên vay được miễn trách nhiệm đối với bên cho vay đối với các khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Đối với hợp đồng thuê nhà hoặc thuê văn phòng, nếu bên thuê vẫn sử dụng nhà hoặc văn phòng, nhưng không thể thanh toán tiền thuê cho bên cho thuê với lý do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì bên thuê sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng đối với bên cho thuê. Tuy nhiên, bên thuê phải chứng minh đã thông báo cho Bên cho thuê biết về khả năng không thể thanh toán hoặc đề xuất những biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên. Trong hợp đồng nếu các bên không thỏa thuận về miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp này thì các bên căn cứ quy định pháp luật để đưa ra những chứng cứ chứng minh bảo vệ quyền lợi của mình.
Đối với hợp đồng xây dựng, việc nhà thầu phải giãn tiến độ thực hiện hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà thầu sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại thực tế phát sinh từ việc chậm tiến độ và cũng không phải chịu chế tài phạt vi phạm hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, việc miễn trách nhiệm trong các hợp đồng không đồng nghĩa với việc loại trừ các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.
4. Kết luận
Dịch bệnh Covid-19 là tình huống pháp lý phát sinh chưa có tiền lệ từ trước đến nay, do vậy, các bên khó có thể dự liệu trong hợp đồng. Để tránh xung đột hoặc tranh chấp phát sinh về sau, ngay khi xảy ra dịch Covid-19 hoặc ít nhất là vào thời điểm này, bên vi phạm hợp đồng cần phải gửi thông báo ngay cho bên kia biết về sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, trong đó cần phải ghi rõ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm và các biện pháp mà bên vi phạm đã thực hiện để hạn chế những ảnh hưởng của Covid-19.
Ngoài ra, tại thời điểm hiện nay, Covid-19 đang trở thành đại dịch nhưng một số địa phương vẫn chưa phát hiện dịch Covid-19, tuy nhiên, khi tham gia ký kết Hợp đồng, các bên cần phải dự liệu trước rằng Covid-19 có thể lan rộng đến địa phương đó để có những trù tính khi ký kết Hợp đồng. Bởi lẽ, trong trường hợp này, Covid-19 có thể không thoả các yếu tố để được xem là Sự Kiện Bất Khả Kháng do các bên tham gia giao dịch có thể lường trước Covid-19 có thể xảy ra tại địa phương mà các bên đang nhắm tới khi tham gia giao dịch.
Tài liệu tham khảo:
[1] Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
TG. Nguyễn Văn Hiệp – Ban Biên soạn TNJ