Theo kế hoạch, ngày 2-5, TAND tỉnh Kon Tum tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ “cưa gỗ khô bị quy tội trộm cắp”.
Thế nhưng cả HĐXX chỉ có duy nhất một mình chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Minh Thành xuất hiện để thông báo hoãn xử vì một thẩm phán cánh gà vắng mặt.
Đây là lần thứ năm hoãn phiên tòa, trong đó có ba lần các thẩm phán trong HĐXX thay phiên nhau vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Việc này khiến các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo là LS Nguyễn Thị Kim Vinh, Lê Văn Hoan, Nguyễn Thành Công (cùng thuộc Đoàn LS TP.HCM), LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) và người dự khán khá bức xúc.
LS Vinh nói: “Thưa chủ tọa, chúng tôi muốn biết rõ lý do hoãn phiên tòa, đây là lần thứ ba các thành viên trong HĐXX thay nhau vắng mặt. Chúng tôi không thể chấp nhận được việc hoãn nhiều lần như vậy. Đề nghị chủ tọa cho xem những giấy tờ chứng minh về sức khỏe của thẩm phán vắng mặt”.
Chủ tọa trả lời: “Cái đó thì được. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm báo cáo chánh án”.
Lần thứ ba các thành viên của hội đồng xét xử thay nhau vắng mặt. Ảnh: NGÂN NGA
LS Hoan tiếp lời: “Lần trước phiên tòa hoãn do mẹ của vị giám đốc ban quản lý rừng (nguyên đơn dân sự trong vụ án) bị hấp hối là không đúng sự thật. Chúng tôi đã xác minh là ông ấy về tảo mộ từ trước đó mấy hôm”.
Khi phiên tòa kết thúc, trao đổi với phóng viên, phó giám đốc rừng Đắk Uy chia sẻ dù đã chuẩn bị tinh thần ra tòa rồi nhưng nay lại hoãn, rất tốn thời gian đi lại. LS phản ứng là quá đúng.
Do không hài lòng về cách làm việc của HĐXX, bốn LS cùng người dự khán đã gõ cửa phòng Chánh án TAND tỉnh Kon Tum A Brao Bim để xin được làm việc. Trong lúc ngồi chờ đợi chánh án họp, thấy chủ tọa xách cặp ra về, LS và người dân đã “vịn” thẩm phán Thành lại để cùng ngồi họp với chánh án.
Đã xách cặp ra về nhưng chủ tọa Nguyễn Minh Thành (áo trắng, giữa) bị “mời” ở lại. Ảnh: NGÂN NGA
Tại buổi trao đổi với chánh án, các LS đề nghị TAND tỉnh phải bố trí thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên dự khuyết. Nếu tòa sử dụng hết mọi lý do hoãn phiên tòa theo Điều 297 BLTTHS 2015 thì vụ án sẽ bị kéo dài.
LS Hoan nhấn mạnh: “Không thể nói rằng lãnh đạo tỉnh không hay biết về vụ án vì quá trình xét xử, Tỉnh ủy rất quan tâm. Rõ ràng tính chất, mức độ và dư luận quan tâm nhưng ở đây một phiên tòa như vậy mà không có thẩm phán dự khuyết. Mục đích chúng tôi làm việc với chánh án là phiên tòa này không nghiêm túc. Mong chánh án xem xét lại”.
Chánh án TAND tỉnh Kon Tum buộc phải mở buổi họp ngoài kế hoạch sau khi tòa bị hoãn. Ảnh: NGÂN NGA
Chánh án A Brao Bim nói: “Việc cho rằng có uẩn khuất trong vụ án, chúng tôi chưa nghe báo lại. Còn các LS cho rằng sao không phân công thẩm phán dự khuyết, cái này là do bộ phận tham mưu đề xuất. Thẩm phán bị ốm, tôi cũng chưa nghe báo lại là ốm như thế nào. Sắp tới đây chúng tôi sẽ bổ sung vào thẩm phán dự khuyết”.
LS Hoan nhắc lại: “Bữa trước tại phiên tòa phúc thẩm lần một, chúng tôi đề nghị triệu tập đại diện rừng Đắk Uy nhưng tòa không đồng ý. Phiên tòa phúc thẩm lần hai, đại diện này vắng mặt, chúng tôi đề nghị vẫn tiếp tục phiên tòa nhưng HĐXX vẫn quyết định hoãn. Chúng tôi đề nghị chánh án lưu tâm tới”.
Kết thúc buổi họp, chánh án cho biết sẽ tiếp thu để có sự chia sẻ.
Người dân và các luật sư vào làm việc với chánh án TAND tỉnh Kon Tum. Ảnh: NGÂN NGA
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa lấy gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp mình nên Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô thì bị phát hiện. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt các bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum đã hủy bản án sơ thẩm trên. Tuy nhiên, xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Hiện các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Trên Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) và nhiều chuyên gia phân tích, cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ có thể xử phạt hành chính vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, lẽ ra tòa phải tuyên các bị cáo không phạm tội mới đúng.
Theo các chuyên gia, Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao thì chỉ có thể xử các bị cáo tại chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội trộm cắp tài sản) khi cây gỗ trắc mà các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo khai thác lại là rừng đặc dụng nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) được.
Ngoài ra, nếu xem xét các bị cáo theo Điều 175 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng) thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ trắc chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3), chưa đủ định lượng để khởi tố hình sự.
Việc các bị cáo chặt cây gỗ trắc dù còn sống hay đã chết khô rõ ràng là không đúng, có vi phạm. Nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó, không thể chỉ đáng xử hành chính mà lại quyết xử lý hình sự cho bằng được.
LS Nguyễn Thành Công cho biết tòa không lên lịch xét xử công khai vụ án. Đến khi hỏi thì cán bộ văn phòng mới chạy tới dán lịch nhưng lại không có dấu và chữ ký. Ảnh: NGÂN NGA
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/chu-toa-bi-luat-su-vin-lai-de-cung-hop-voi-chanh-an-768336.html
Theo Nguyễn Văn Hiệp – Ban Biên soạn TNJ – Phỏng theo Báo Pháp luật (plo.vn)